Xin không cấp phép dự án thép TQ: Vì nhiều nỗi lo…

  Các chuyên gia bày tỏ nỗi lo Việt Nam bị vạ lây khi thép Trung Quốc chuyển dịch xuất xứ, lo ô nhiễm môi trường, lao động Trung Quốc tràn sang…

Bàn tiếp về kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về việc không cấp phép cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của công ty Yong Jin Metal (Trung Quốc), trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia ngành luyện kim đều bày tỏ sự tán thành đối với kiến nghị này của VSA bởi Việt Nam dường như đã trở thành trung tâm để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các mánh khóe thương mại về thép.

PGS.TS Tô Duy Phương, nguyên cán bộ Viện Vật liệu (Viện KHCN Việt Nam), thành viên Ban chấp hành Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam khẳng định, tuyệt đối không nên cấp phép cho dự án thép của Trung Quốc.

Điều ông lo ngại là doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ bị vạ lây trước xu hướng chuyển dịch xuất xứ của thép Trung Quốc để tránh bị đánh thuế chống bán phá giá từ Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình

Trước đó, nhiều sản phẩm sắt thép Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia áp thuế chống bán phá giá. Với chiêu bài chuyển các nhà máy sản xuất thép ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá lớn từ các nước.

“Các nước đều phản đối cách làm của Trung Quốc, nếu giờ Việt Nam “ủng hộ” thì sẽ bị điều tra. Kiến nghị của VSA là chính đáng, Việt Nam nên hành động khi dự án từ đang trong trứng nước, chứ để khi đã hình thành rõ thì đấy là mối nguy”, PGS.TS Tô Duy Phương bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm với PGS.TS Tô Duy Phương, KS Đặng Lại Hà, nguyên cán bộ Viện KHCN Mỏ luyện kim, thành viên Ban chấp hành Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam, cũng ủng hộ đề xuất không cấp phép cho dự án thép không gỉ cán nguội của doanh nghiệp Trung Quốc.

KS Đặng Lại Hà nói thẳng, các dự án thép đều sử dụng hóa chất nên có khả năng gây ô nhiễm rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc thường không trung thành với các cam kết về môi trường, chưa kể công nghệ họ sử dụng kém hiện đại hơn các nước phương Tây nhiều.

Bên cạnh đó, khi tiến hành dự án ở nước ngoài, doanh nghiệp Trung Quốc thường đưa nhân lực của họ sang rất đông, kể cả khâu phục vụ.

Vì những lẽ đó, KS Đặng Lại Hà nhấn mạnh rằng, phải hết sức thận trọng khi xem xét cấp phép cho các dự án thép của Trung Quốc.

Đối với việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ gây khó khăn cho xuất khẩu của ngành thép, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp thép Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình, đồng thời phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế cũng như luật lệ thương mại của các nước xuất khẩu sang để hạn chế những thiệt hại không đáng có.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, trong số 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan đến thép, chủ yếu là các vụ điều tra chống bán phá giá.

Mới đây nhất, ngày 12/6, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (corrosion-resistant carbon steel) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc và thép cán nguội (cold-rolled steel) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp này cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép CORE và CRS từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể”.

Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 27/7/2018) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng.

Nguồn tin: Đất việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán