TISCO đang đề nghị tập đoàn mẹ, Bộ Công Thương, Tài chính và các đơn vị chức năng xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ việc giãn tiến độ trả nợ cũng như cơ cấu lại các khoản vay.
Khó khăn lớn nhất của TISCO hiện nay vẫn là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu khi phải cùng lúc tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 5.000 lao động, vừa thực hiện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) – công ty mẹ của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) phải khẩn trương rà soát tình hình tài chính, tài sản, đất đai, mỏ… để xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến một số tổng thầu cũng như trách nhiệm bảo lãnh của mình. Trên cơ sở đó, VNSteel cần tiếp tục hiện phương án thoái vốn của mình tại TISCO theo đúng thẩm quyền, quy định và hiệu quả.
Xin “viện trợ” bằng giãn tiến độ trả nợ
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương – đơn vị nắm phần vốn nhà nước tại VNSteel cũng cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để lập kế hoạch với thời hạn cụ thể, xử lý các vướng mắc về các dự án thua lỗ, việc giải quyết vốn vay tại TISCO.
Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thoái vốn cần xây dựng trên cơ sở hai phương án, gồm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc giữ lại Bộ Công Thương để tiếp tục xử lý có hiệu quả hơn. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần sớm có phương án thoái vốn để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo lãnh đạo của VNSteel, khó khăn lớn nhất của TISCO hiện nay vẫn là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu khi phải cùng lúc tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 5.000 lao động, vừa thực hiện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2.
Để giải quyết câu chuyện vốn, TISCO đang đề nghị tập đoàn mẹ, Bộ Công Thương, Tài chính và các đơn vị chức năng xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ việc giãn tiến độ trả nợ cũng như cơ cấu lại các khoản vay cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Cánh chim” không còn bay liệng
Nhìn về quá khứ, TISCO từng được xem là “cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam”, từng là thương hiệu số 1 Việt Nam về thép xây dựng, từng xuất khẩu sang cả trời Âu…Trong giai đoạn 1999 – 2000, TISCO từng đứng bên bờ vực phá sản 1 lần, công nhân phải đi trồng sắn, trồng khoai, vào rừng hái măng, chặt củi để bán sống qua ngày. Khó khăn vậy, nhưng khi đó TISCO vẫn có khoảng 10.000 lao động.
Với việc đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất thép từ Trung Quốc, TISCO nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng để rồi “thừa thắng xông lên” năm 2003 – 2004, TISCO trình phương án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 rất hoành tráng với kế hoạch đầu tư từ khâu khai quặng tới sản phẩm sắt thép thương mại.
Thế nhưng, hơn chục năm kể từ khi khởi động, đến nay dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2 của TISCO vẫn chỉ là “đống sắt gỉ” và trở thành một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương. Một lần nữa TISCO đứng trên bờ vực thẳm.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được phê duyệt từ năm 2005, đến năm 2007 đã được tổ chức khởi công rầm rộ với mong muốn nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1.000.000 tấn/năm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đưa Cty trở thành một trong những nhà sản xuất thép có quy mô, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đảm bảo cho công ty phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo kế hoạch thì đến năm 2011 (tức là sau khoảng 4 năm thi công), Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO sẽ hoàn thành, được nghiệm thu và chạy thử nghiệm. Thế nhưng, đến nay sau hàng chục năm kể từ ngày khởi công và hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cùng tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành. Hầu hết các hạng mục thi công đều dở dang: Bãi liệu, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và oxy đều chưa hoàn thiện; tiêu hết số tiền được phê duyệt nhưng nhà máy vẫn chưa thành hình hài.
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp