Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng vừa qua tương đối tốt. Theo đó, lượng sản xuất thép tháng 4 đã đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Sản lượng thép xuất khẩu liên tục tăng cao.
Không những tiêu thụ tốt trong nước, lượng xuất khẩu của ngành thép cũng đang rất khả quan. Chỉ sau 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thép đã vượt mốc 1 tỷ USD và đang có xu hướng tăng cao.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) phân tích, trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động XK thép đã đạt được sự phát triển nhất định, khi tỷ lệ xuất khẩu luôn ghi nhận mức tăng trưởng liên tục.
Cụ thể, quý I/2018 sản lượng xuất khẩu thép đạt mức tăng trưởng 23,9%; năm 2017, hoạt động xuất khẩu ngành thép chiếm 20,8%; năm 2012 xuất khẩu thép trong nước chiếm 15,9%.
Mặc dù rất lạc quan vào tăng trưởng xuất khẩu của ngành thép, song ngành này cũng đối diện không ít khó khăn trước rào cản thương mại của một số nước nhập khẩu. Mới đây nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa đánh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép Việt Nam. Bộ này giải thích lý do, thép Việt trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao, song thép Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng. Việc thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng thị trường các nước là hoàn toàn khả quan, chưa kể đến nguồn cầu trong nước liên tục gia tăng do dự án xây dựng phát triển mạnh.
Cụ thể, ngành thép đã hóa giải khó khăn về rào cản thường mại bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu, bao gồm khối EU, Asean… Trong đó, EU, Đài Loan, Nhật có mức tăng đáng kể về tỷ trọng, từ dưới 2,5% trong năm 2016 lên 18,2% tổng lượng thép xuất khẩu Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018.
Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á liên tục duy trì vị thế dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu thép cả nước nhiều năm gần đây. Một lựa chọn thay thế khác chính là thị trường nội địa, khi nguồn cầu trong nước được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng 20%/năm.
Sự tăng trưởng thị trường nhà ở cùng các dự án hạ tầng trong nước như: Đường sắt kết nối vùng Đông Nam Bộ, Dự án tàu điện ngầm nội độ, Dự án mở rộng các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài – giai đoạn 3 và cảng hàng không quốc tế Long Thành đang hứa hẹn thúc đẩy tiêu thụ sản lượng lớn cho ngành thép.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa – phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian tới ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới.
Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra và áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước. Để đảm bảo tăng trưởng tiêu thụ thép, các cơ quan nhà nước nên có những những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Nguồn tin: Đại đoàn kết