“Sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ vẫn quyết đánh thuế trừng phạt thép Việt”

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa. Bởi theo ông Sưa, nếu quyết định của Bộ Thương mại Mỹ không được thay đổi, sẽ tạo ra một hàng rào chặn đứng việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam vào thị trường này.

Quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được công bố vào ngày 16/2 tới đây.


Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của thép Việt Nam, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng thép.

90% thép Trung Quốc “đội lốt” là sai lệch

Trước đó, trong kết luận sơ bộ mới đây, DOC khẳng định Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép, cho rằng các sản phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Cụ thể, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.

“Đối với những nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép xuất khẩu vào Mỹ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà không phải nguồn gốc không phải từ Trung Quốc”, thông cáo từ DOC cho biết.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc Mỹ nghi ngờ sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam có nguồn gốc nguyên liệu từ thép cán nóng của Trung Quốc là thiếu cơ sở.

“Đặc biệt, gần đây xuất hiện thông tin có đến 90% số lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam là sai lệch, thực tế không đến mức đó và chỉ chiếm một lượng nhỏ”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định.

Công ty cổ phần Tôn Đông Á là 1 trong 4 doanh nghiệp bị Mỹ khiếu nại yêu cầu điều tra thuế chống lẩn tránh thương mại do nghi ngờ sử dụng thép cán nóng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định các sản phẩm thép cán nóng, nguyên liệu để sản xuất tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Mặc dù kết luận nói trên của DOC mới chỉ là mức thuế sơ bộ ban đầu, nhưng dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2 tới.

Sẽ khởi kiện tại WTO

Do đó, trao đổi với phóng viên, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn và kiến nghị gửi lên Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công thương để có những phản ứng với quyết định của Mỹ vì quyết định này vi phạm thông lệ quốc tế, các quy định trong WTO và chính bản thân luật pháp Mỹ.

Ông Sưa cho biết: “Nếu như Mỹ vẫn quyết định áp dụng mức thuế mới, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi sang để phản đối. Trong trường hợp cần thiết cần phải xem xét đưa ra khởi kiện tại WTO”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VSA cũng nhận định, những vấn đề về thương mại quốc tế thường rất phức tạp. “Việt Nam luôn muốn hội nhập trong khi năng lực về luật pháp của chúng ta vẫn còn hạn chế do đó cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia và luật sư nước ngoài”, ông Sưa nói.

Đánh giá về tác động tới ngành nếu DOC không thay đổi trong thông báo cuối cùng, Phó Chủ tịch VSA cho biết, thép Việt Nam sẽ bị áp thuế lẩn tránh đối với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Việc áp thuế này ở mức độ rất cao, khoảng trên 200% đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội và trên 500% đối với thép tôn mạ.

“Điều này sẽ gần như tạo ra một hàng rào chặn đứng việc xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam vào Mỹ. Hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của thép Việt Nam, chiếm khoảng 11%”, ông Sưa nhấn mạnh.

Nói về giải pháp tránh tình trạng thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt, ông Sưa cho biết: “Từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa).

Vấn đề khó khăn nhất vẫn là mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 U.S.C 1862) nhằm xác định sản phẩm thép có đang nhập khẩu vào Mỹ với số lượng hoặc trong hoàn cảnh mà làm suy yếu an ninh quốc gia không. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà ngành thép Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông Sưa nhận định.

Bất chấp những khó khăn tại thị trường Mỹ, Hiệp hội thép vẫn đưa ra mức tăng trưởng khoảng 20-22% cho ngành vào năm 2018. trong đó thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng tăng 154%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đồng thời, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán