Kiện Mỹ ra WTO: Việt Nam “đừng đi một mình”

 Áp thuế thép, Chính quyền Mỹ ở mức độ nào đó đã vi phạm quy định WTO khi gắn điều khoản an ninh với quy định của Đạo luật Thương mại

Áp thuế thép, Chính quyền Mỹ ở mức độ nào đó đã vi phạm quy định WTO khi gắn điều khoản an ninh với quy định của Đạo luật Thương mại.

Bộ Thương mại của Mỹ tuần trước đã quyết định sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam, dựa trên quan điểm 90% vật liệu thép Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sẽ tạo ra một cuộc tranh cãi lớn

Mỹ đang là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 11,28%, chỉ sau thị trường ASEAN đang chiếm hơn 67%, theo Báo cáo thị trường nội địa của Hiệp hội Thép Việt Nam. Việc Mỹ mức thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam, sẽ ngay lập tức tác động đến Việt Nam.

Như vậy, cảnh báo của các học giả của Mỹ, hồi tháng 9.2017, về khả năng về chính quyền Mỹ sẽ sử dụng các điều khoản an ninh gắn với chính sách thương mại, bây giờ đã thành hiện thực.

Một điểm cần lưu ý từ những lần áp thuế gần đây của Mỹ lên mặt hàng thép của Việt Nam, ông Lê Sỹ Giảng, Giám đốc Công ty Tư vấn GH Consults, một công ty chuyên về cạnh tranh thương mại, nói với NCĐT: “Chính quyền Mỹ đã sử dụng quy định của Điều 232 của Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ về việc hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia”.

Phía Mỹ từ lâu đã tin rằng, thâm hụt thương mại tăng cao khiến thương mại Mỹ bị đụng chạm, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như bản thân nền kinh tế Mỹ. Thậm chí, những phân tích về thép của Mỹ lần này đã đi xa hơn các phân tích thông thường, khi cho rằng thâm hụt thương mại ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ.

Theo quan sát của ông Giảng, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng có quy định về vấn đề này, cụ thể là tại Điều XXI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Theo đó, Điều XXI quy định rằng Hiệp định GATT không ngăn cản các nước thành viên có quyền hành động khi nước đó cho rằng đó là điều cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu.

Thế nhưng, vấn đề là thế nào là “lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu” thì Điều XXI không làm rõ, do đó, quy định này là “khá lỏng”. Dù vậy, từ trước đến nay, các quốc gia thành viên của GATT và sau này là WTO rất ít khi sử dụng điều khoản này gắn với các chính sách thương mại của họ.

Ông Giảng, người từng ở vị trí Trưởng Ban Điều tra phòng vệ thương mại, của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, nói rằng, có “hai tác động” có thể đến từ việc Mỹ sử dụng chính sách an ninh gắn với chính sách thương mại.

Thứ nhất, hành động của Mỹ sẽ tạo ra một cuộc tranh cãi lớn trong WTO về cách hiểu và áp dụng Điều XXI của GATT. Sau hành động của Mỹ, việc các nước khác triển khai áp dụng Điều XXI của GATT như thế nào cũng còn nhiều bỏ ngỏ.

Thứ hai, nhiều khả năng là các nước sẽ kiện Mỹ ra WTO. Thực tế là ngày 23/5/2018, Ấn Độ đã chính thức khởi kiện Mỹ ra WTO về các biện pháp áp thuế đối với nhôm và thép. Và không chỉ Ấn Độ, sẽ còn có các nước khác sẽ khởi kiện Mỹ. Nội dung, diễn biến vụ kiện, kết quả vụ kiện, cũng như hệ quả về mặt pháp lý là chưa thể đoán định vì vấn đề rất mới mẻ và gây nhiều tranh cãi.

Rất khó để Mỹ loại Việt Nam khỏi diện áp thuế

Hiện, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Và Việt Nam không phải là mục tiêu chính cho những lần đánh thuế lên hàng hóa của Việt Nam. Nhưng câu chuyện về thép phản ánh rất rõ về chính sách thương mại của chính quyền Mỹ, muốn giảm thâm hụt thương mại với các nước có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó lớn nhất là Trung Quốc.

Ông Giảng nói với NCĐT rằng “rất khó” để Việt Nam được Mỹ “loại” khỏi diện áp thuế nếu chỉ thông qua các kênh hợp tác, ngoại giao vì tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam là khá nhỏ.

Hơn nữa, khả năng Mỹ sẽ trở lại TPP vẫn “đóng băng”, đồng nghĩa với việc Việt Nam không có đòn bẩy để được Mỹ loại ra khỏi danh sách bị áp thuế nhập khẩu như Mỹ đã làm với Canada và Mexico, hồi tháng 3.2018, để đàm phán lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với cả hai nước này.

Giám đốc GH Consults cho rằng, việc áp thuế thép nhập khẩu, dấu hiệu “Mỹ vi phạm quy định WTO là có” nhưng chưa thể tính cụ thể mức độ vi phạm. Việt Nam cũng có thể tính đến giải pháp đưa Mỹ ra WTO, nhưng “đừng đi một mình”, nên “đi cùng” một số nước có tình thế tương tự Việt Nam.

Trong khi chờ Chính phủ và Bộ Công Thương có biện pháp cụ thể ở tầm quốc gia, ông Giảng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu thép “cần có cách xử lý khác và ngay lập tức”.

Theo ông, doanh nghiệp có thể nhìn vào các động thái của Mỹ để cơ cấu lại thị trường, tổ chức lại sản xuất. Doanh nghiệp cũng nên xúc tiến việc đề nghị Bộ Thương mại Mỹ loại những sản phẩm mà họ đang sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ ra khỏi phạm vi áp thuế theo đúng quy định và quy trình về việc loại trừ sản phẩm cụ thể.

Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán