Indonesia áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ màu, Hoa Sen và Nam Kim chịu tác động ra sao?

 Hai doanh nghiệp đầu ngành là Hoa Sen và Nam Kim có những chiến lược khác nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực từ xu hướng tự vệ thương mại.


Indonesia từng là thị trường chính chiếm gần 60% sản lượng xuất khẩu tôn mạ màu của Nam Kim.

Indonesia vừa công bố áp dụng thuế Chống bán phá giá (CBPG) lên tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam với mức thuế từ 12,01% tới 28,49% trong 5 năm. Hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết của Việt Nam là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG) chịu mức thuế lần lượt là 12,01% và 19,16%.

Trước đó, Indonesia đã từng áp thuế CBPG ở mức 13,5% – 36,6% lên thép cuộn cán nguội của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan kể từ tháng 3/2013 và tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ thương mại này sau kỳ rà soát năm 2015.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng biện pháp tự vệ thương mại của Indonesia không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ nội địa. VDSC đưa ra 3 lý do.

Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu tôn mạ màu không phải động lực tăng trưởng chính của ngành tôn mạ.

Cụ thể, xuất khẩu tôn mạ màu không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Năm 2017, các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn tôn mạ, trong đó hầu hết là tôn mạ kẽm (46%) và tôn mạ lạnh (38%), chỉ có 278.000 tấn tôn mạ màu, chiếm 17,1%.

VDSC ước tính gần 3/4 lượng tôn mạ màu sản xuất là phục vụ thị trường trong nước. Năm 2017, ngành tôn mạ tiêu thụ tổng cộng gần 1,1 triệu tấn tôn mạ màu, tuy nhiên chỉ xuất khẩu 278.000 tấn, chiếm 26% tổng lượng tôn mạ màu tiêu thụ.

Thứ hai, tôn mạ màu không phải sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam

Theo VDSC, xu hướng của các nhà sản xuất tôn mạ nội địa là tập trung vào dòng sản phẩm tôn mạ kẽm, mạ lạnh và giảm dần tỷ trọng tôn mạ màu. Do độ bền của tôn mạ kim loại vượt trội so với tôn đen mạ màu và cũng cho biên lợi nhuận cao hơn do giá trị gia công cao hơn, các doanh nghiệp tôn mạ nội địa khi đầu tư dây chuyền máy móc đều tập trung vào khâu mạ kim loại.

Các nhà máy tôn mạ của hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á đều có công suất mạ màu tương đối nhỏ so với tổng công suất.

Thứ ba, VDSC đánh giá hai doanh nghiệp đầu ngành HSG và NKG có những chiến lược khác nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực từ xu hướng tự vệ thương mại.

Đối với HSG, nhờ lợi thế về thị phần và chuỗi bán lẻ phủ rộng toàn quốc, HSG không phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, khi gần 70% sản lượng được tiêu thụ trong nước, lượng còn lại được doanh nghiệp chủ động phân phối tới hơn 70 quốc gia.

Đối với NKG, Indonesia từng là thị trường chính chiếm gần 60% sản lượng xuất khẩu (2015). Tuy nhiên, tận dụng xu hướng tẩy chay thép Trung Quốc trên thị trường quốc tế, NKG đã mở rộng phạm vi xuất khẩu để giảm tỷ trọng của thị trường Indonesia xuống dưới 40% trong năm 2017.

Theo dõi sản lượng tiêu thụ của NKG thì tôn mạ màu chỉ chiếm 13% sản lượng xuất khẩu (2017).

“Như vậy, nhìn chung việc Indonesia áp thuế lên tôn mạ màu xuất xứ từ Việt Nam không có tác động tiêu cực lớn lên tăng trưởng của hai doanh nghiệp này”, VDSC cho hay.

Nguồn tin: Vietnam Finance

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán