Giá sắt thép nhập khẩu tăng mạnh

 Riêng thị trường Trung Quốc – nhà cung cấp sắt thép lớn nhất của chúng ta – đã tăng giá tới gần 38% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức trung bình 738,5 USD/tấn.

Xuất khẩu sắt thép tăng cả về giá, kim ngạch lẫn khối lượng

Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong quý 1/2018 tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2017 cả về lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu.

Giá xuất khẩu sắt thép trung bình đạt mức 726,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng sắt thép xuất khẩu cũng tăng rất mạnh 38%, đạt 1,43 triệu tấn và kim ngạch tăng gần 57 %, đạt 1,04 tỷ USD.

Điểm nổi bật trong quý 1 năm nay là xuất khẩu thép sang tất cả các thị trường chủ đạo đều tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Campuchia – thị trường tiêu thụ nhiều nhất sắt thép của Việt Nam, giá xuất khẩu tăng 15,6%, đạt 632,7 USD/tấn, lượng tăng 37,3%, đạt 283.979 tấn, kim ngạch tăng 58,8%, đạt 179,68 triệu USD.

Đặc biệt, sắt thép xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tăng mạnh, mặc dù mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra thông báo đánh thuế 25% tất cả các sản phẩm thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước trong đó có Việt Nam. Lượng sắt thép xuất sang Mỹ tăng tới 132,3% so với cùng kỳ, đạt 217.430 tấn, trị giá tăng 144,9%, đạt 179,01 triệu USD. Giá xuất khẩu sang Mỹ cũng ở mức tương đối cao 823,3 USD/tấn, tăng 5,9%.

Thép xuất khẩu sang Indonesia – thị trường lớn thứ 3 cũng tăng 32,5% về lượng và tăng 42,4% về trị giá, đạt 199.663 tấn, tương đương 154,76 triệu USD. Giá xuất khẩu tăng 7,5%, đạt 775 USD/tấn.

Thị trường rất đáng chú ý là Italia, với mức tăng gấp hơn 15 lần về lượng và gấp 8 lần về trị giá, đạt 36.202 tấn, tương đương 30,26 triệu USD; Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh 48%, đạt 835,8 USD/tấn. Lượng sắt thép xuất sang Nhật cũng tăng gấp hơn 13 lần, đạt 31.887 tấn và trị giá tăng gấp7 lần, đạt 22,07 triệu USD, nhưng giá xuất khẩu trung bình lại giảm 48%, đạt 692 USD/tấn.

Giá xuất khẩu sắt thép trong quý 1/2018 sang đa số các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất sang Thụy Sĩ mặc dù số lượng rất ít, chỉ 5 tấn nhưng được giá cao nhất 5.112 USD/tấn, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số thị trường cũng được mức giá cao như: Xuất sang Hồng Kông 2.424 USD/tấn, tăng 21,5%; Ucraina 2.395 USD/tấn; Đức 2.272 USD/tấn, tăng 39,5%; U.A.E 1.787 USD/tấn, tăng 158%; Thổ Nhĩ Kỳ 1.545 USD/tấn, tăng 43,6%; Trung Quốc 1.403 USD/tấn, giảm 27%.

Thị phần xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tại một số thị trường chủ yếu

Nhập khẩu sắt thép giảm về lượng nhưng giá nhập tăng mạnh

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam trong quý 1/2018 lại sụt giảm mạnh 25,7% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với quý 1/2017, đạt 3,12 triệu tấn, trị giá trên 2,18 tỷ USD. Tuy nhiên, giá nhập khẩu sắt thép lại tăng 24,6% so với cùng kỳ, đạt khoảng 700,3 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, chiếm tới 36% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 38% trong tổng kim ngạch, đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 829,81 triệu USD, giảm 48,8% về lượng và giảm 29,5% về trị giá so với cùng kỳ. Giá sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh 37,6% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 738,5 USD/tấn.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắt thép nhập khẩu cho Việt Nam, với 537.659 tấn, trị giá 366,56 triệu USD, chiếm 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm 2% về lượng nhưng tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu từ Nhật Bản cũng tăng tới 15,4%, đạt mức trung bình 681,8 USD/tấn.

Sắt thép nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 14,4% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 16,2% trong tổng kim ngạch, đạt 449.532 tấn, trị giá 354,26 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 18,4 % về trị giá. Giá sắt thép nhập khẩu từ thị trường này đạt mức trung bình 788 USD/tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường có giá nhập cao gồm có: Philippines 7.301 USD/tấn; Pháp 7.159 USD/tấn, Áo 6.546 USD/tấn và Hồng Kông 4.198 USD/tấn. Ngược lại, các thị trường có giá nhập khẩu thấp là: Saudi Arabia 470 USD/tấn và NewZealand 474 USD/tấn; Australia 506 USD/tấn; Bỉ 555 USD/tấn; Nga 559 USD/tấn, Brazil 560 USD/tấn.

Nguồn tin: Cafef

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán