Dự án thép tỷ đô Cà Ná bỏ ngỏ: Dục tốc bất đạt?

 Rầm rộ thông tin về siêu dự án 10 tỷ đô tại vùng biển Cà Ná – Ninh Thuận giữa “tâm bão” Formosa, dự định của ông chủ Lê Phước Vũ bất ngờ bị tạm dừng. Trong khi đó, “ngôi vương” ngành tôn mạ Việt Nam của Hoa Sen đang bị lung lay sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

Từ hai chỉ vàng đến dự án 10 tỷ đô

Khởi nghiệp từ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng với số vốn hai chỉ vàng, anh tài xế Lê Phước Vũ sau hơn 20 năm đã trở thành Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, luôn nằm trong top những tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2016, Lê Phước Vũ gây chấn động giới đầu tư sau khi công bố kế hoạch thực hiện Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có tổng mức đầu tư 10,6 tỷ USD – tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, kế hoạch của tập đoàn Hoa Sen đã thu hút sự quan tâm không chỉ của cổ đông công ty mà còn của các Bộ ban ngành liên quan, đặc biệt là phản ứng trái chiều của dư luận – ngay tại thời điểm sự cố môi trường Formosa còn nóng rẫy trên khắp các mặt báo.

Còn nhớ tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2016, ông Lê Phước Vũ đã dành ra 30 phút để thuyết trình trước đại hội về những lý do cần thiết để đầu tư dự án ngay thời điểm này. Ông Vũ nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư và rủi ro tác hại đến môi trường khi dự án đi vào vận hành.


Dự án Tổ hợp gang thép Hoa Sen Cà Ná bị tạm dừng từ tháng 4/2017.

Ngoài những lợi thế sẵn có của vùng biển Cà Ná – Ninh Thuận như thời tiết thuận lợi, hầu như không có bão lớn, vị trí đặt dự án còn được tính toán sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ngay khi đầu tư. “Cà Ná không có sông nước ngọt nên không tạo bồi lắng, do vậy chúng ta chỉ tốn chi phí đầu tư vận hành một lần mà không đầu tư cho nạo vét. Chúng ta phải xác định được thị trường trọng điểm khi có sản phẩm, nếu so sánh lợi thế cạnh tranh thì không nơi nào bằng ở đây. Nếu nghĩ trước mắt Dung Quất là số 1, nhưng nhìn 5 năm tới phải gọi tên Cà Ná”, ông Vũ nói.

Về môi trường, ông Vũ cho hay, Hoa Sen là người đi sau nên học được những kinh nghiệm nhiều từ các dự án trước. Ông này cho rằng, mặc dù được áp dụng công nghệ tối tân nhất nhưng cũng phải tính toán đến trường hợp xấu nhất, không phải một năm mà cả 100 năm tới. “Sau sự việc Formosa xảy ra làm ai cũng sợ và ví đây là dự án thứ hai của Formosa. Trên thế giới nhiều nước còn có cả hàng trăm tổ hợp dự án nhà máy thép nằm ngay lòng thành phố. Với dự án của Hoa Sen, chúng ta đi theo một hướng khác và đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, ông Vũ trình bày.

Thời điểm đó, trả lời câu hỏi nếu dự án thép Cà Ná để xảy ra sự cố thì Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết từ chức, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm với đúng thẩm quyền nếu hệ lụy xảy ra và có phần nào thuộc trách nhiệm Bộ trưởng thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng nếu xảy ra những hệ lụy tiêu cực với Cà Ná thì việc xem xét từ chức của Bộ trưởng bộ Công Thương cũng quá nhỏ bé so với những thiệt hại gây ra cho đất nước, nhân dân và xã hội. Nhiệm vụ của Bộ trưởng là phải đảm bảo không để xảy ra bất kỳ thiệt hại và hệ lụy nào”.

Tuy vậy, đến ngày 17/4/2017, sau hơn nửa năm dự án được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức, tạm dừng việc đề xuất dự án Hoa Sen Cà Ná. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép, được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên như ở mức nghiên cứu khả thi dự án.

Sau khi nghiên cứu kỹ, làm rõ ba vấn đề: Nhu cầu thép trong nước, đánh giá vấn đề môi trường và tổng vốn đầu tư tổng thể dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Theo thông tin mới nhất được ông Lê Phước Vũ chia sẻ tại ĐHĐCĐ ngày 16/1 vừa qua, hiện công ty vẫn đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án. Đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai. “Cà Ná là dự án lớn, cơ quan Nhà nước cấp phép khi nào thì ta làm khi đó”, ông Vũ nói.

Đuối sức?

Năm 2017 được coi là một năm không mấy thành công đối với tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ. Ngoài tin buồn dự án hơn 10 tỷ USD được kỳ vọng sẽ đưa Hoa Sen trở thành tập đoàn hàng đầu về thép khu vực ASEAN bị tạm dừng, tình hình kinh doanh của Hoa Sen cũng bị giảm sút.

Trong niên độ tài chính 2016-2017 (từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017), tập đoàn Hoa Sen đã hoàn thành và vượt kế hoạch về sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần, đồng thời đạt mức tăng trưởng cao so với niên độ tài chính trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.332 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 81% kế hoạch và giảm 11% so với năm trước đó.


Năm 2017 được coi là một năm không mấy thành công đối với tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ.

Lý giải về kết quả kinh doanh giảm sút, ông Trần Ngọc Chu – Tổng giám đốc tập đoàn cho hay, hoạt động xuất khẩu trong năm 2017 gặp phải nhiều bất lợi khi các thị trường tiêu thụ lớn thực thi nhiều chính sách, động thái bảo hộ sản xuất nội địa, phòng vệ thương mại, thiết lập các rào cản phi thuế quan… Diễn biến trên trái chiều so với xu hướng tăng trưởng nóng của Hoa Sen nhiều năm trở lại đây.

Theo báo cáo phân tích của công ty Chứng khoán FPTS, trong hơn một thập kỷ qua, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn Hoa Sen tăng trưởng từ 18 tỷ đồng (niên độ tài chính 2003-2004) lên mức 1.800 tỷ đồng trong NĐTC 2015 – 2016, sau đó rớt mạnh xuống 1.332 tỷ đồng trong NĐTC 2016 – 2017.

Trong năm tới, Hoa Sen đặt kế hoạch đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 15% đạt 1,9 triệu tấn thép, doanh thu thuần tăng trưởng 15% lên mức 30.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ tăng trưởng 1%- đạt 3.851 tỷ đồng. Trả lời chất vấn của cổ đông tại sao lợi nhuận bị chững lại, ông Chu trần tình: “Thị trường tôn thép năm 2018 dự báo đối diện với áp lực cạnh tranh lớn khi doanh nghiệp trong ngành gia tăng sản xuất và sự đánh chiếm thị phần của doanh nghiệp ngoài ngành”.

Ngoài ra, nguồn cung thép năm 2018 đang rất lớn, thị trường xuất khẩu cũng khó khăn do đó HSG chỉ đưa ra kế hoạch lãi ròng thận trọng. Kế hoạch lợi nhuận 2018 được xây dựng trên mức biên lợi nhuận gộp còn khoảng 17% so với mức cao của các năm trước.

Những chủ nợ nghìn tỷ

Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng dư nợ phải trả của tập đoàn Hoa Sen là 11.720 tỷ đồng – tương đương nửa tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 7.600 tỷ đồng, dẫn đến chi phí tài chính, nhất là chi phí lãi vay tăng theo tỷ lệ thuận, chiếm 317,5 tỷ đồng trong cả NĐTC 2016 – 2017 (chỉ tiêu này trong NĐTC 2015 – 2016 chỉ là 163 tỷ đồng). Hiện Hoa Sen đang vay nợ hàng nghìn tỷ đồng cả bằng VND và USD tại các ngân hàng như Vietinbank chi nhánh Bình Dương, Vietcombank chi nhánh Nam Bình Dương. Đáng chú ý, ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho Hoa Sen vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo 356 tỷ đồng, Vietcombank cho vay tín chấp gần 340 tỷ đồng…

Nguồn tin: Người đưa tin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán