Doanh nghiệp thép Việt ảnh hưởng ra sao khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu?

 Giới phân tích cho rằng, ngành thép Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn nếu Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới.

Không ảnh hưởng quá lớn

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh đánh thuế cao hơn đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khập vào Mỹ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Ông Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu.


Các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ. (Ảnh minh họa: KT)

Thông tin này dấy lên lo ngại, ngành thép của nhiều quốc gia xuất khẩu lớn sang Mỹ sẽ điêu đứng. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy vậy, trên thực tế, việc đánh thuế nhập khẩu nhôm, thép của Mỹ sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới các doanh nghiệp thép Việt.

Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam. Trên thực tế, nếu như xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng do quyết định mới của Tổng thống Trump, ngành thép Việt có thể sẽ quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%). Ước tính, cả Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG), hai doanh nghiệp tiên phong trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016, đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường Mỹ.

Mặc dù chắc chắn sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của Mỹ nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%. BVSC cho rằng điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc và có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ.

Tận dụng lực cầu trong nước và ASEAN

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dựa trên năng lực tiêu thụ của các nhà máy tôn thép nội địa và tỷ trọng của thị trường Mỹ trong cơ cấu xuất khẩu, việc áp thuế của Mỹ sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép trong nước, thậm chí, đây có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn nhiều, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan, DVSC đánh giá.

VDSC cho rằng, các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế. Bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, EU…

Như vậy, việc áp thuế đánh vào nguồn gốc xuất xứ đang đóng vai trò động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập.

Trước động thái áp thuế mới của Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ để phục vụ xây dựng dân dụng, không phải xây dựng cơ sở hạ tầng hay an ninh quốc phòng và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ.

Hơn nữa, theo Bộ Công Thương, lượng nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, nên khó có thể gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất thép và nhôm của quốc gia này.

Bộ Công thương đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét, cân nhắc loại trừ các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp dụng.

Thép trong nước phải “khỏe” hơn

Chia sẻ trên The Leader, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc Mỹ tuyên bố áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu thép của toàn thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Theo ông Sưa, khi thuế tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải nâng giá thành sản phẩm, từ đó rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong thời gian vừa qua, thép Việt cũng đã chịu không ít áp lực từ phía Mỹ trong các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Sưa cho rằng, bên cạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép Việt cần phải vươn xa hơn và đứng vững trên thị trường quốc tế. Để có thể làm được điều này, lãnh đạo Hiệp hội Thép khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ thị trường xuất khẩu, phân nhỏ thị trường, tránh xuất khẩu tập trung đồng thời phải không ngừng nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm.

Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 2,4 triệu tấn thép vào các nước khối ASEAN, chiếm khoảng 59% tổng lượng xuất khẩu thép. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ dừng ở mức 470.000 tấn, chiếm chưa tới 11% tổng lượng xuất khẩu./.

Nguồn tin: VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán