TLH, SMC đang là hai cổ phiếu được giao dịch ở mức P/E thấp nhất ngành thép, trong đó SMC còn có điểm cộng là đơn vị có EPS 4 quý gần đây cao nhất với 9.999 đồng.
Diễn biến thực tế sáng hơn kỳ vọng, loạt cổ phiếu thép thăng hoa
Diễn biến thị trường ngành thép cho đến thời điểm này khả quan hơn nhiều so với dự báo hồi đầu năm của chính các doanh nghiệp trong ngành khi đưa ra các kế hoạch kinh doanh khiêm tốn. Theo báo cáo thị trường thép 10 tháng năm 2017 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong nước tăng trưởng 22,8% so với cùng kỳ, đạt hơn17 triệu tấn. Bán hàng thép các loại trong nước đạt gần14,2 triệu tấn, tăng18,4%.
9 tháng đầu năm, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 4 triệu tấn, tổng kim ngạch gần 2,7 tỷ USD,tăng 31,6%về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2016.
Diễn biến thị trường thuận lợi giúp khá nhiều doanh nghiệp vượt hay hoàn thành đến trên 90% kế hoạch năm chỉ sau 9 tháng. Ví như Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vượt 45% kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng với 218 tỷ đồng, Công nghiệp Tung Kuang (HNX: TKU) vượt 20% kế hoạch lợi nhuận ròng, Thép Pomina cũng vượt 28,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế khi đạt 514,3 tỷ đồng. Ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 9 tháng 5.614 tỷ đồng, “anh cả” Hòa Phát hoàn thành 94% chỉ tiêu năm.
Bối cảnh chung của toàn ngành tương đối khả quan, kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng khiến đại đa số cổ phiếu trong ngành đều có sự bứt phá. Cổ phiếu Thép Nam Kim (NKG) từ đầu năm đến nay tăng 66% lên giao dịch ở trên mốc 38.450 đồng/cp, VIS tăng 63% lên mức giá 28.350 đồng/cp, HPG tăng 43% lên 39.250 đồng/cp, POM tăng 91% lên 16.200 đồng/cp, DTL tăng 45,38% lên mốc 37.800 đồng/cp.
Diễn biến giá của 12 cổ phiếu trong ngành từ đầu năm đến 29/11
Chỉ có 4 cổ phiếu đi ngược chiều là HSG giảm 16,4%, TLH giảm 4,61%, TVN giảm 1,33% và VGS giảm 4,5%. Trong đó, HSG kết thúc niên độ tài chính 2016-2017 (1/10 – 30/9) với việc không hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu 26.147,6 tỷ đồng và lợi nhuận 1.330,7 tỷ đồng, lần lượt thực hiện vượt 13% và mới 81% kế hoạch năm.
Vẫn còn dư địa tăng, cổ phiếu nào đang rẻ?
Ngành thép toàn cầu nói chung được cho là bước vào giai đoạn bão hòa do sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gu Jianguo – một quan chức cao cấp của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) – cho rằng có ba yếu tố chính khiến giá thép vẫn tăng là tăng giá của quặng sắt, nhu cầu tiêu dùng cải thiện, nguồn cung thiếu hụt do các chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong ngành sắt thép. Chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực đóng cửa các nhà máy sản xuất thép nhỏ vốn chỉ tập trung sản xuất loại thép chất lượng thấp, như là một phần trong chủ trương cắt giảm tình trạng dư thừa công suất và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, vị quan chức này cũng cho rằng giá thép tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này vẫn tiếp tục ổn định trong năm 2018 trong bối cảnh nguồn cung và sản lượng trở nên cân bằng hơn.
Trong báo cáo ngành công bố tháng 7, Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định ngành thép là ngành kinh tế cơ sở quan trọng với mỗi quốc giá, đặc biệt là quốc gia đang ở giai đoạn đầu quá trình phát triển kinh tế như Việt Nam. Mức tiêu thụ thép bình quân đầu người Việt Nam chỉ mới 195 kg/người, mức thấp so với thế giới là 208 kg/người. Đồng thời, Nhà nước đang có nhiều chính sách bảo hộ như thuế tự vệ, thuế chống phá giá sẽ trợ giúp ngắn hạn cho công ty thép nội địa, cung cấp thêm thời gian cho các doanh nghiệp nội địa gia tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Các đơn vị trong ngành cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch mở rộng. Ví như Thép Nam Kim đang triển khai nhà máy mạ màu chất lượng cao liên doanh với Hàn Quốc cho ra sản phẩm dùng trong lĩnh vực nội thất, hàng dân dụng, hàng điện từ với sản lượng 80.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất tôn mạ với công xuất 1.000.000 tấn/năm. SMC vừa đi vào vận hành nhà máy sản xuất thép mạ kẽm tại KCN Phú Mỹ với các công đoạn tẩy rỉ, cán nguội và mạ kẽm công suất 160.000 tấn/năm từ tháng 9/2017, đồng thời giai đọan 2 nhà máy ống thép Sendo liên doanh với Hanwa, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm, đang được triển khai theo tiến độ và dự kiến hoàn thành trong quý I/2018. Thép Hòa Phát đang triển khai dự án Khu liên hợp Giang thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi kỳ vọng củng cố vững chắc vị thế số 1 trong lĩnh vực thép.
KIS cho rằng định giá cổ phiếu thép đang khá thấp so với các ngành liên quan như bất động sản và vật liệu xây dựng. P/E thép chỉ khoảng 5,5 lần so với trung bình là 10 của các ngành vật liệu xây dựng và 20 của bất động sản.
Một số chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh DN thép
HSG kết quả năm cho niên độ 2016 – 2017
Trong 12 đơn vị đáng chú ý trong ngành, TLH và SMC là hai đơn vị có P/E thấp nhất chỉ 2,43 và 2,53. Ngược lại, VIS, DTL, HPG là ba đơn vị chiếm giữ vị trí P/E cao nhất. SMC còn một điểm cộng là EPS 4 quý gần đây đứng cao nhất trong 12 doanh nghiệp với 9.999 đồng, vượt trội hơn hẳn so với đơn vị đứng thứ 2 là Thép Nam Kim 6.262 đồng.
Bên cạnh đó, SMC đang có mảng kinh doanh được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao là mảng gia công thép dẹt vốn ổn định, hiệu xuất tốt và có hiệu quả nhất trong những năm gần đây. Mảng này cùng với sản xuất là hai mảng SMC lên kế hoạch đẩy mạnh trong tương lai bên cạnh việc duy trì mảng cốt lõi từ những ngày đầu thành lập là phân phối thép xây dựng.
SMC cho biết tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cấp thiết bị, máy móc, nhà xưởng để tăng công suất các nhà máy hiện tại trong hệ thống gia công thép dẹt, đồng thời xem xét đầu tư thêm nhà máy mới, mở rộng và hướng tới nhóm khách hàng ở phân khúc cao cấp hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam. Về sản xuất, SMC đầu tư sản xuất có chọn lọc các sản phẩm thép Công ty có thế mạnh qua phân phối. Trong năm 2018-2019, hoạt động đầu tư sản xuất sẽ tiếp tục được mở rộng với giai đoạn 2 cho cả nhà máy ống thép và thép mạ kẽm.
Nguồn tin: NDH