Ngày 15-6, Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) có hiệu lực, sẽ là công cụ quan trọng để bảo vệ ngành hàng sản xuất trong nước trước tình trạng hàng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa…
Trong những năm gần đây, số vụ kiện PVTM của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng. Mới đây nhất, ngày 21-5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu “mạnh tay” lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Cụ thể, Hải quan Hoa Kỳ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn cho biết sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng (hot-rolled steel) do Trung Quốc sản xuất.
Trong đó, thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%. Trước đó, vào tháng 3-2018, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nhận đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm bao và túi đóng hàng được dệt từ polyetylen (hoặc dải polypropylen) bằng nhựa, gai hoặc các vật liệu tương tự nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn là Tập đoàn Polytex Fibers và Công ty TNHH ProAmpac, cáo buộc sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng trợ cấp và đang được bán tại Hoa Kỳ với mức giá thấp hơn giá trị thông thường, đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đối với sản phẩm nói trên.
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông tin, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây hàn bằng kim loại cơ bản nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm này được dùng để hàn hồ quang điện, do Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Gedik Kaynak và Công ty TNHH Oerlikon Welding Electrodes and Industry (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đơn khởi kiện…
Thép là một trong những ngành hàng của DN Việt Nam bị điều tra nhiều nhất tại thị trường xuất khẩu.
Thực tế, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra tại thị trường nước ngoài trong những năm qua rất đa dạng như: thép, tôn mạ màu, nhôm ép, bao bì, dây kim loại, giày dép, sợi, vỏ – ruột xe, thủy sản, pin khô, bộ đồ ăn nhựa,… Riêng ngành thép, từ trước đến nay, Việt Nam đối diện khoảng 25 vụ PVTM từ các thị trường như Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hoa Kỳ, EU… Đây là một trong số những ngành hàng bị thị trường nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất. Việc bị khởi kiện, áp thuế, khiến thép Việt xuất khẩu vào các thị trường sẽ giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến ngành thép trong nước.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến nay, có 132 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (25 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ) và Ấn Độ (15 vụ). Số vụ việc Việt Nam bị điều tra nhiều nhất là chống bán phá giá (78 vụ). Hoa Kỳ là quốc gia điều tra chống bán phá giá nhiều nhất đối với Việt Nam, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Số vụ việc chống trợ cấp tương đối thấp 12 vụ, chống lẩn tránh thuế 17 vụ, tự vệ 25 vụ.
Ngoài ra, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, do bị coi là nơi chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Đây là hình thức các nước nhập khẩu áp dụng nhằm tránh việc “chuyển tải” hàng hóa từ một nước sang nước khác, với mục đích thay đổi xuất xứ để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các vụ kiện PVTM, Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Trước khi các vụ việc xảy ra, các DN nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường; đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ.
Đặc biệt, DN cần tìm hiểu rõ về pháp luật PVTM, xu hướng kiện PVTM của nước xuất khẩu. Trường hợp khi vụ việc xảy ra, các DN cần chủ động đối phó với vụ kiện như thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, Cục Phòng vệ thương mại. Khi bị điều tra, DN cần chuẩn bị tốt hồ sơ, chứng từ, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất và đến cùng.
Hiện ngày càng nhiều các quốc gia sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này đã đặt các DN, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa nhập khẩu, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường việc sử dụng các biện pháp PVTM như một chiếc van an toàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra và áp dụng 9 biện pháp PVTM (tự vệ 6 vụ và chống bán phá giá 3 vụ). Thực tế cho thấy, các biện pháp PVTM được áp dụng có hiệu quả nhất đó là biện pháp chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trung tuần tháng 1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM. Ngày 20-4 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-6, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực thi các biện pháp điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, phù hợp pháp luật quốc tế và áp dụng thực tiễn.
Nguồn tin: Công an nhân dân