Quý I/2018: Ngành Thép Việt Nam nhiều điểm sáng

 Được dự báo sẽ tăng trưởng từ 20 – 22% trong năm 2018, ngành Thép Việt Nam ngay trong quý I/2018 đã cho thấy những dấu hiệu tích cực dù vấp phải không ít vụ kiện phòng vệ thương mại từ nước ngoài.

Ngành Thép có nhiều điểm sáng trong quý I/2018

Bán Thép trong quý I ra sao?

Theo thông tin Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố, tình hình sản xuất và bán các sản phẩm thép tháng 3/2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017 và tăng so với tháng 2/2018. Tính chung Quý I/2018, sản lượng bán hàng và sản xuất của các thành viên VSA vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, riêng trong tháng 3/2018, sản xuất sản phẩm thép đạt 2.120.047 tấn, tăng 39% so với tháng trước, và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 1.820.892 tấn, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thép xuất khẩu đạt 432.287 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017.

Tính chung quý I/2018, sản xuất Thép đạt 5.771.452 tấn, tăng 25% so với quý I/2017. Hàng bán ra đạt 4.841.992 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.159.777 tấn, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2017.

Cũng theo VSA, tính đến hết ngày 15/3/2018, nhập khẩu thép các loại đạt gần 2,7 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, với lượng nhập khẩu gần 730.000 tấn, giảm 52% về lượng nhưng chỉ giảm 32% về trị giá. Đáng chú ý tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chỉ còn gần 32% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu, giảm khá nhiều về tỷ trọng nhập khẩu thép của Việt Nam từ quốc gia này so với các năm trước (khoảng gần 50%).

Về xuất khẩu, theo VSA, tính đến hết tháng 2/2018, xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 920.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 655 triệu USD, tăng 38% về lượng, và tăng 63% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 522.000 tấn thép, chiếm tới hơn 56% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.

Theo khảo sát của PLVN, quý I/2018 chứng kiến kết quả kinh doanh khả quan của nhiều DN Thép Việt Nam. Cụ thể, với “ông lớn” ngành Thép Hòa Phát, kết thúc quý I/2018, thép xây dựng của đơn vị này tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ 2017 với mức sản lượng 542.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép cán 3 tháng đầu năm đạt 73.000 tấn, đạt kim ngạch trên 7 triệu đô la Mỹ. Riêng trong tháng 3/2018, thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường hơn 180.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 11.700 tấn. Theo Hòa Phát, quý I/2018, đơn vị này ước đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận quý I/2018 của Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) ước đạt khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2018, VIS đặt mục tiêu sản lượng 500.000 tấn; doanh thu 7.093 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90,4 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2017. Còn Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS), phấn đấu năm 2018 sẽ đạt doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng. Riêng quý I/2018, VGS ước tính lợi nhuận đạt ít nhất bằng cùng kỳ năm ngoái, tức 17 tỷ đồng.

Vẫn nhiều việc phải làm

Theo lãnh đạo VSA, mặc dù quý I/2018 ngành Thép Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên các DN vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được mức tăng trưởng 20- 22%. Những vấn đề cần quan tâm chính lúc này của DN Thép là tình hình thị trường trong và ngoài nước; việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù nhập khẩu thép giảm, xuất khẩu tăng nhưng nhiều mặt hàng lượng nhập khẩu vẫn còn rất lớn, như thép tôn mạ màu, tôn cuộn cán nóng. Do đó, ngành Thép Việt Nam vẫn còn tồn tại những nhược điểm cần khắc phục.

Lãnh đạo VSA cho rằng, ngành Thép Việt Nam đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu là do quy trình sản xuất trong nước chưa đồng bộ, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo còn yếu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào như thép cuộn cán nóng, phôi chúng ta chưa tự sản xuất được. Điều đó dẫn đến việc phải nhập khẩu, làm chậm quá trình sản xuất và tăng gánh nặng chi phí.

Theo một số chuyên gia kinh tế, hiện nay thị trường xây dựng nước ta đang phục hồi, việc hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến được ký trong năm nay, sẽ là cơ hội cho thép Việt Nam vươn ra các thị trường mới.

Nhưng khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu Thép thì những nước nhập khẩu sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất thép trong nước của họ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Úc, Mỹ….

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì các DN phải có tinh thần hợp tác, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách phòng vệ nước ngoài sẽ được quyền áp dụng ngay vì bất hợp tác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng trong quá trình điều tra, chuẩn hóa các số liệu, phục vụ tốt cho các cơ quan điều tra nước ngoài.

Cuối tháng 3/2018, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện Chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, trong đó tuyên bố các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang Úc và quyết định chấm dứt cuộc điều tra. Như vậy, hiện nay Thép Việt Nam khi xuất sang Úc sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá. Phán quyết trên của ADC là tin vui với các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam vì Úc là thị trường rất tiềm năng.

Nguồn tin: Pháp luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán