Cuối tháng 3/2018, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, trong đó tuyên bố rõ các DN Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang Australia và quyết định chấm dứt cuộc điều tra. Đây là tin vui vì Australia là một trong những thị trường tiềm năng của thép Việt.
Khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất thép hàng đầu khu vực, quý I/2018, dù gặp nhiều khó khăn do các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nhiều quốc gia, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành thép trong nước vẫn tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, thép cũng chính thức trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) có kim ngạch trên 1 tỷ USD chỉ sau 3 tháng đầu năm.
Tăng trưởng mạnh
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 3 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất sắt, thép thô, thép cán, thép thanh, thép góc đạt lần lượt 25,1 triệu tấn, 13,9 triệu tấn, 15,2 triệu tấn; tăng lần lượt 37,2%, 6,7% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về XK, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK sắt, thép hết quý I/2018 đã đạt 1,04 tỷ USD, tăng 380 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường XK sắt, thép chủ yếu của nước ta là: Campuchia gần 180 triệu USD, Hoa Kỳ 179 triệu USD, Indonesia 155 triệu USD, Malaysia 120 triệu USD…
Theo phân tích của Bộ Công Thương, ngành thép có sự tăng trưởng tốt chủ yếu do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành. Kết quả này cũng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải đối diện với nhiều vụ kiện của nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép XK của Việt Nam…
Các DN lớn của ngành thép vẫn duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh đáng ghi nhận. Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), kết thúc quý I/2018, thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ 2017 với sản lượng 542.000 tấn. Trong đó, sản lượng XK thép cán 3 tháng đầu năm đạt 73.000 tấn với kim ngạch trên 7 triệu USD. Tương tự, quý I, sản lượng sản xuất của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim đạt 207.400 tấn, trong đó XK 109.000 tấn sản phẩm. Với nỗ lực đầu tư, sau 6 tháng vận hành thử, hoạt động chính thức từ tháng 1/2018, lò cao số 1 của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cũng đóng góp tích cực vào sản xuất thép quý đầu năm của tỉnh Hà Tĩnh, đưa tỉnh này vượt lên đứng đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp hết quý I.
Kỳ vọng ở những dự án mới
Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – cho biết: Nhờ nhu cầu của thị trường đã và đang tiếp tục tăng cao, dự báo, ngành thép năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng sẽ tăng mạnh nhất (154%) so với năm ngoái nhờ vào việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất khi lò cao số 2 dự kiến được đưa vào sản xuất trong tháng 6/2018.
Cùng với những thuận lợi của thị trường, có được kết quả này nhờ ngành thép Việt Nam có nhiều dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong những tháng tiếp theo. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đưa lò cao giai đoạn I tại tỉnh Quảng Ngãi với công suất 2 triệu tấn/năm vào hoạt động. Tập đoàn Hoa Sen cũng đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn trong năm nay. Công ty Tung Ho, Pomina (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Thép Việt Ý (Hải Phòng) dự kiến sản xuất thêm 600.000 tấn thép xây dựng mỗi năm, giúp đa dạng nguồn cung cho ngành thép.
Cuối tháng 3/2018, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, trong đó tuyên bố rõ các DN Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang Australia và quyết định chấm dứt cuộc điều tra. Đây là tin vui vì Australia là một trong những thị trường tiềm năng của thép Việt.
Nguồn tin: Vinanet