Thép Việt muốn khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ

 Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phản đối Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra lẩn tránh thuế đối với sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam.

Kết luận của DOC ngày 11/12/2017 cho rằng, hai sản phẩm trên của Việt Nam sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc để lẩn tránh thuế.


Tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi (khoảng 30-50%) so với thép cán nóng của
Trung Quốc. Tỷ lệ này phù hợp với quy định trong Hiệp định của WTO.

DOC vi phạm quy định WTO

Tuy nhiên, VSA cho rằng, kết luận này của DOC hoàn toàn vi phạm các quy định trong các Hiệp định của WTO và chính pháp luật Mỹ. Bởi vì, các doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra đã đưa ra các bằng chứng cho thấy tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn (khoảng 30-50%) so với thép cán nóng của Trung Quốc. Tỷ lệ này phù hợp với quy định trong Hiệp định của WTO và thông lệ quốc tế cũng như của Mỹ khi xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đối với vụ việc của Argentina trước đó.

Tại văn bản của VSA gửi Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại mới đây, VSA đã đề nghị Bộ Công Thương có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thép thông qua việc phản đối các hành vi không phù hợp với pháp luật quốc tế của Mỹ. Đồng thời, đề nghị DOC tuân thu các quy định của WTO cũng như luật pháp Mỹ trong giai đoạn cuối, trước khi ban hành quyết định chính thức về vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.

VSA cũng cho biết, trong trường hợp Mỹ không thay đổi quan điểm trong kết luận cuối cùng, hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Mỹ ra WTO.

Thép Việt trước nguy cơ mất thị trường tại Mỹ

Sau quyết định này của DOC, Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ. Trong đó, Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định, việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự “chuyển đổi đáng kể” như Bộ Thương mại Mỹ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, “không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế” như Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc.

Tuy nhiên, ngành thép đang đứng trước khó khăn mới khi nhiều khả năng Mỹ sẽ áp thuế cao đối với các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ từ Việt Nam. Sự việc này đẩy ngành thép đứng trước nguy cơ mất thị trường tại Mỹ.

Tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn (khoảng 30-50%) so với thép cán nóng của Trung Quốc. Tỷ lệ này phù hợp với quy định của WTO.
Và như vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã xuất khẩu tôn mạ kẽm sản xuất từ thép cán nóng và cán nguội Trung Quốc, kể từ ngày 4/11/2016 sẽ phải nộp thay các nhà nhập khẩu Mỹ một khoản thuế rất lớn tương đương 238,48% giá trị xuất khẩu nhằm giữ khách hàng và thị trường. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu 420.860 tấn thép sang Mỹ, tổng trị giá kim ngạch 337,256 triệu đô la.

Tuy nhiên, khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam vẫn chưa dừng lại khi mà các thị trường nhập khẩu khác như Úc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đang tiến hành các vụ kiện tự vệ thương mại với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản… tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất, không phải chỉ gia công sơ bộ để xuất khẩu sang Mỹ.

Thời gian qua, các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thường xuyên gặp phải các rào cản thương mại tại thị trường này. DOC đã liên tiếp khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam từ năm 2016.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán