Doanh nghiệp thép: Minh bạch xuất xứ sản phẩm để hợp tác lâu dài với Hoa Kỳ

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ phải tuân thủ theo luật pháp và những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Liên quan đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tuyên bố áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên các sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam, nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ phải tuân thủ theo luật pháp và những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay, hiện phía Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế, việc điều tra cũng diễn ra suốt cả năm trước đó. Với quyết định này, lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam giảm đáng kể.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ hơn 900 nghìn tấn, nhưng đến năm 2017 chỉ còn hơn 500 nghìn tấn.

Trước quyết định chính thức này của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã nhanh chóng chuyển đổi nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ nước khác hoặc nguồn trong nước, thay vì nhập của Trung Quốc như trước đây.

Hiệp hội Thép cũng cho hay, sau khi Fomosa đi vào hoạt động, một lượng lớn thép cuộn cán nóng – nguyên liệu để sản xuất thép tôn màu và tôn mạ kẽm được đưa ra thị trường.

Thực tế cho thấy, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2018 chỉ còn hơn 1,1 triệu tấn, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 và giảm tới 29% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ gặp khó khăn do vấp phải các hàng rào tự vệ, nhưng Hoa Kỳ vẫn đứng thứ 3 trong nhóm các nước nhập khẩu thép của Việt Nam. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, lượng thép sang Hoa Kỳ đạt khoảng 217 nghìn tấn, chiếm hơn 15% tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng thông tin, trước đây Việt Nam nhập khẩu các loại thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc dùng làm nguyên liệu để sản xuất thép tôn mạ và thép cán nguội; trong đó có xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Hiện nay, ngành thép Việt Nam có sự phát triển khá mạnh với hai chủng loại sản phẩm là thép xây dựng và thép dẹt. Với thép dài phục vụ xây dựng, Việt Nam đã sản xuất khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối (từ quặng, thép phế liệu sản xuất ra gang, thép, gia công cán nóng…).

Đối với thép dẹt, trong đó có thép cuộn cán nguội, tôn mạ phủ màu kim loại, những năm trước đây Việt Nam chưa đầu tư khâu đầu. Nghĩa là chưa có thép cuộn cán nóng mà chủ yếu đầu tư khâu cuối để sản xuất ra thép cuộn cán nguội, thép mạ. Khâu đầu nguyên liệu là thép cuộn cán nóng phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sau khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra nghi ngờ gian lận xuất khẩu thép từ Trung Quốc qua Việt Nam để sang Hoa Kỳ, Hiệp hội đã cùng các Bộ, ngành và doanh nghiệp làm rõ hai vấn đề. Đó là không phải tất cả các loại thép đều có nguồn gốc từ Trung Quốc mà Trung Quốc chỉ chiếm một phần. Đồng thời Việt Nam cũng đã đầu tư với quy mô lớn, hiện đại ở khâu cuối để sản xuất ra thép tôn màu và cuộn cán nguội.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, DOC đã thông báo cho phép miễn trừ biện pháp nếu các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam chứng minh được sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp liên quan xử lý các yêu cầu về quy trình thủ tục của DOC để hưởng miễn trừ theo quy định.

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương: “Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu và đáp ứng các điều kiện miễn trừ mà phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra”.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan theo dõi chặt chẽ vụ việc ngay từ giai đoạn khởi xướng điều tra vào tháng 11/2016. Bộ Công Thương đã nhiều lần bày tỏ quan điểm chính thức về vụ việc với phía Hoa Kỳ và đề nghị DOC thực hiện điều tra một cách khách quan, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ của Hoa Kỳ, không áp dụng biện pháp này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam.

Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 21/5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép các-bon chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) nhập khẩu từ Việt Nam.

Hải quan nước này sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam, nhưng sử dụng vật liệu có nguồn gốc Trung Quốc. Còn thép không gỉ, mức thuế chống bán phá giá là 199,43% và chống trợ cấp là 39,05%.

DOC cho rằng, có sự lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm nêu trên từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tháng 12/2017, Hoa Kỳ đã công bố kết luận điều tra sơ bộ vụ việc này./.

(Nguồn tin: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán