Ngành thép quý I dù khởi sắc nhưng biên lãi gộp tiếp tục giảm

 Diễn biến ngành khả quan nên các doanh nghiệp thép trên sàn đều đạt được mức tăng trưởng doanh thu đáng kể, song giá vốn tăng cao khiến biên lợi nhuận sụt giảm.

Ngành thép quý I cung cầu đều tăng trưởng trên 25%

Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất và bán hàng của các thành viên Hiệp hội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, trong quý sản lượng sản xuất của các thành viên VSA đạt 5.771.452 tấn, tăng 25% so với quý I/2017 và tăng 48% so với quý I/2016. Đạt mức tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép cán nguội với mức tăng 29%, ống thép tăng 12%%, tôn mạ KL & SPM tăng 8% và thép xây dựng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản lượng bán hàng, các thành viên VSA ghi nhận mức 4.841.992 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và tăng 24% so với quý I/2016; riêng xuất khẩu đạt1.159.777 tấn, tăng 38,6%. Tương tự như sản xuất, thép cán nguội đạt mức tăng cao nhất 25%, tôn mạ KL & SPM tăng 19% so với cùng kỳ 2017.

Đặc biệt, trong kỳ có ghi nhận sản lượng sản xuất và bán hàng từ mặt hàng HRC mà cùng kỳ năm trước không có với lần lượt 632,390 tấn và 634,894 tấn.

Nói đến tình hình xuất nhập khẩu, nhập khẩu các loại thép tính đến 15/3 giảm 20,6% về lượng và 8,4% về giá trị với 2,7 triệu tấn và 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, tính đến hết tháng 2, xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 920.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 655 triệu USD, tăng 38% về lượng, và tăng 63% về giá trị.

Diễn biến ngành thép trong quý I cho thấy bức tranh màu sáng hơn so với kỳ vọng từ đầu năm. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, mức tăng trưởng toàn ngành thép năm 2018 vào khoảng 20 – 22% so với năm 2017, trong đó, thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng 154%, thép lá cuộc cán nguội 5%, thép ống hàn 15%, tôn mạ vàng và sơn phủ màu 12%.

Biên lãi gộp giảm mạnh trong quý I

Mặc dù bối cảnh ngành khả quan nhưng kết quả kinh doanh quý vừa qua các các doanh nghiệp trong ngành phân hóa mạnh, số lượng doanh nghiệp ghi nhận lãi giảm vẫn trội hơn hẳn so với đơn vị báo lãi tăng trưởng.

Bối cảnh ngành khả quan khiến doanh thu của đa số các doanh nghiệp thép đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tính trên 11 doanh nghiệp niêm yết trong ngành thép, tổng doanh thu đạt 43.089 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã khiến tổng lợi nhuận sau thuế của các đơn vị đạt 3.191 tỷ đồng, giảm 2%.

Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn chứng tỏ bản lĩnh đơn vị dẫn đầu với doanh thu thuần 13.001 tỷ đồng, tăng trưởng 27% và chiếm 30% tổng 11 đơn vị; lãi ròng 2.223 tỷ, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 70%. Tập đoàn Hòa Phát cho biết sự tăng trưởng sản lượng cao ở hầu hết các mảng thuộc nhóm ngành thép là động lực chính. Cụ thể, trong quý đầu năm, thép xây dựng tăng trưởng gần 10% giúp đơn vị tăng thị phần lên 24%; sản lượng xuất khẩu thép cán tăng trưởng 40 với kim ngạch trên 42 triệu USD; ống thép cũng tăng 17%, đặc biệt là thị trường miền Nam.

Trong nhóm tăng trưởng, ngoài Hòa Phát thì cái tên đáng chú ý khác là Thép Việt Nam (TVN), tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của TVN đạt 64%, cao nhất trong 11 đơn vị. Nguyên nhân là do trong quý công ty ghi nhận phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết lên đến 246,9 tỷ đồng, gấp 4,25 lần cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh các DNNY ngành thép quý I/2018

Ở chiều giảm, đơn vị đứng thứ 2 toàn ngành, Tập đoàn Hoa Sen gây bất ngờ khi lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 87 tỷ đồng, bằng 21% cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu tăng trưởng 23% đạt 7.663 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng mạnh hơn 31%, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng cũng tăng mạnh mẽ lần lượt 33,5%, 88,6% và 35% đã khiến lợi nhuận ròng của tập đoàn suy yếu.

Lũy kế 6 tháng niên độ 2017-2018, doanh thu thuần hợp nhất của Hoa Sen tăng trưởng 30% lên mức 15.549 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng giảm phân nửa xuống 420 tỷ đồng. Với kết quả này, CTCK HSC điều chỉnh giảm dự báo năm 2018 của HSG với doanh thu thuần 31.556 tỷ đồng, tăng trưởng 20,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 981,3 tỷ đồng, giảm 26,3%. So kế hoạch của doanh nghiệp đề ra cho cả năm, dự báo này tăng về doanh thu (30.000 tỷ) nhưng giảm đáng kể về lợi nhuận ròng (1.350 tỷ đồng).

HSC cho biết Hoa Sen sẽ thoái vốn ngoài ngành gồm 3 dự án bất động sản tại quận 2 và quận 9, TPHCM để tập trung mảng kinh doanh chính, trong khi đó việc thoái vốn Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept – HSG đã ký hợp đồng chính thức với người mua vào quý I, có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên trong năm 2018. Đơn vị đang thực hiện chiến lược tập trung vào thị trường nội địa, mục tiêu 5 năm tới hệ thống phân phối đạt 1.000-2.000 cửa hàng, hiện tại mới có 371 cửa hàng.

Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và doanh thu tài chính bị hụt do SCIC rút vốn đã khiến Gang thép Thái Nguyên (TIS) đành ngậm ngùi ghi nhận khoản lãi 12 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần của TIS quý vừa qua tăng thêm gần 650 tỷ đồng lên 2,648 tỷ nhưng giá vốn tăng mạnh lên 2.514 tỷ đồng khiến lãi gộp còn 134,6 tỷ, biên lãi gộp giảm từ 17% xuống còn 5%. Đồng thời, công ty cũng bị hụt gần 23 tỷ doanh thu tài chính do SCIC rút 1.000 tỷ đồng từ quý II/2017 do việc sử dụng vốn không hiệu quả.

Các đơn vị khác như NKG, SMC, TNA giá thép đầu vào không có yếu tố đột biến như cùng kỳ năm trước dẫn đến biên lợi nhuận hao hụt và lãi ròng giảm.

Đơn vị duy nhất trong 11 đơn vị báo doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước Thép Việt Ý (VIS). Doanh thu quý I của đơn vị giảm 13% xuống 1.301 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1,8 tỷ đồng.

Nguồn tin: NDH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán