Trước việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép lên 25%, tôn 10%, doanh nghiệp thép Việt Nam có những phản ứng nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu thép Việt Nam bị ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ của Mỹ
Trước mắt chưa lo
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc Mỹ áp thuế cao sẽ khiến thép Việt Nam khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Mỹ. Dù vậy, do lượng thép xuất sang Mỹ chiếm thị phần không đáng kể nên hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất thép trong nước. Năm 2017, Thép Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ hơn 500.000 tấn, trong tổng sản lượng xuất khẩu là 4,7 triệu tấn. Tuy nhiên về lâu dài, khi ngành công nghiệp thép Việt Nam phát triển mạnh mà thị trường Mỹ vẫn có những rào cản thuế quan cao sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thép của Việt Nam.
Trong văn bản gửi VSA ngay sau khi Mỹ áp mức thuế mới, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) cho biết, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu mức 25% sẽ tác động tới tình hình xuất khẩu thép của Hoa Sen Group cũng như nhiều DN xuất khẩu thép khác của Việt Nam. Tập đoàn này đề nghị VSA đứng ra làm đầu mối, đại diện cho các DN thép có văn bản tác động đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ ngành thép Việt Nam.
Đại diện Cty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, có sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, Australia, ASEAN… Việc Mỹ áp thuế cao với mặt hàng tôn, thép đã ảnh hưởng trực tiếp việc xuất khẩu của đơn vị. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, thép xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm trên dưới 1% so với tổng sản lượng thép của doanh nghiệp nên việc Mỹ áp thuế cao, trước mắt không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, về lâu dài, khi Hòa Phát nâng tổng công suất lên sẽ ảnh hưởng đến việc tìm thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết, sản lượng Thép của VNSTEEL trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần rất nhỏ. Tổng Cty chỉ có hai đơn vị xuất sang Mỹ là Cty Thép tấm lá Phú Mỹ (sản xuất tôn cuộn) và Cty TNHH Tôn Phương Nam (liên kết với Nhật Bản). Với Tôn Phương Nam, chủ yếu là Nhật xuất khẩu, do đó không ảnh hưởng nhiều từ việc Mỹ đánh thuế cao.
Theo Tổng Giám đốc VNSTEEL, trước việc Mỹ bảo hộ thương mại với ngành thép, phía VNSTEEL sẵn sàng hợp tác nếu phía Mỹ đến điều tra. Do là Cty Nhà nước, lại liên kết với Nhật nên hồ sơ từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm của những công ty thành viên VNSTEEL có sản phẩm xuất sang Mỹ đều rất minh bạch, chất lượng tốt.
Lãnh đạo VNSTEEL cho biết, về lâu về dài khi VNSTEEL nâng tổng công suất lên và thị phần trong nước đã bão hòa và ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì phương án xuất khẩu sẽ được tính đến để làm giảm áp lực cạnh tranh trong nước. Khi đó, thị trường cực kỳ lớn và tiềm năng là Mỹ. Ngoài ra, thị trường này có sự minh bạch, giá cả tốt, hấp dẫn, rất phù hợp với những sản phẩm của Tổng Cty. Hiện VNSTEEL đã tiếp cận thị trường này, nhưng chưa được nhiều. “Rõ ràng, khi Mỹ áp thuế cao như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thị trường của Tổng Cty trong tương lai”, ông Phúc nói.
Cơ quan quản lý theo sự việc đến đâu?
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đang phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) và một số đơn vị liên quan để có những động thái bảo vệ DN thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Hiện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đang trực tiếp thực hiện những công việc bước đầu.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, Vụ này và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương đang phối hợp với đại sứ quán để theo dõi, tổng hợp các thông tin liên quan như cơ chế chính sách nhập khẩu tôn, thép của Mỹ; tổng hợp thông tin từ Vụ Xuất nhập khẩu xem lượng Thép Việt Nam xuất sang Mỹ là bao nhiêu; giá trị gia tăng như thế nào. “Chúng tôi đang theo dõi, tổng hợp thông tin, chưa có gì cụ thể”, ông Dương nói.
Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi, Cục Phòng vệ thương mại cho biết: “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Mặc dù đưa ra mức áp thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép, song Tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ khả năng về việc các quốc gia bị áp dụng mức thuế nhập khẩu này có thể yêu cầu được miễn trừ. Các quốc gia yêu cầu miễn trừ được xem xét dưới hình thức đàm phán, tham vấn song phương, đồng thời cần chứng minh việc xuất khẩu thép sang Mỹ không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ.
Như vậy, ngoài nỗ lực của các DN Thép Việt Nam thì sự tham gia tích cực, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công Thương là rất cần thiết trong nỗ lực yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu đối với tôn, thép Việt Nam vào Mỹ.
Nguồn tin: Pháp luật