Thép Việt kẹt đường vào Mỹ

 Liệu có thể thay đổi được cục diện khi Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi lên Bộ Thương mại Mỹ những bằng chứng về xuất xứ nguồn nguyên liệu thép.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, vừa lọt vào top những tỉ phú giàu nhất thế giới. Chưa kịp vui thì cũng ngay thời điểm đó, ông lại mất một khoản tiền lớn vì một quyết định được đưa ra từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế nhập khẩu mới lên sản phẩm thép và nhôm của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Ngay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết, ông Trump cũng ký ngay sắc lệnh áp thuế 25% lên sản phẩm thép và 10% lên sản phẩm nhôm với nhiều nước đang xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Sau thông tin trên, giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đã lao dốc, nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, khiến tài sản của ông Trần Đình Long bốc hơi vài ngàn tỉ đồng.

Thép Việt ảnh hưởng ra sao?

Sản phẩm của thép Hòa Phát đã vào thị trường Mỹ từ vài năm trước, nhưng theo đại diện Hòa Phát, Mỹ chưa phải là thị trường chính ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tập đoàn này.

Năm 2017 xuất khẩu của Hòa Phát vào thị trường Mỹ đạt 160.000 tấn thép, chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn, còn lại là các thị trường khác như Canada, Úc, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippines… “Thị trường Mỹ hiện chỉ có vài đơn hàng nên không phải vấn đề gì lớn đối với Hòa Phát”, đại diện Hòa Phát chia sẻ. Gần đây nhất, đầu năm 2018, Tập đoàn cũng đã nhận một đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ.

Nhưng các doanh nghiệp khác trong ngành có thể không dễ thở như thế. Ở thị trường xuất khẩu, Hoa Sen và Thép Nam Kim là 2 doanh nghiệp Việt đang dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu vào Mỹ. Vì thế, 2 đơn vị này khó tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp. Cổ phiếu của Hoa Sen và Thép Nam Kim cũng đã có những phiên lao dốc sau khi ông Donald Trump ký sắc lệnh.

Đặc biệt trong trường hợp của Hoa Sen, sắc lệnh mới sẽ khiến tập đoàn này thêm rối ren trong bối cảnh tình hình kinh doanh và tài chính đã gặp khó khăn từ năm ngoái. Nợ phải trả của Hoa Sen đã lên đến 16.800 tỉ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn lên đến 83% vào cuối năm 2017. Theo báo cáo tài chính quý I, niên độ tài chính 2017-2018, mặc dù doanh thu thuần tăng từ 5.793 tỉ đồng lên 7.929 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận thuần lại giảm từ 440 tỉ đồng xuống còn 333 tỉ đồng. Nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng cao, chi phí phải thu từ khách hàng và hàng tồn kho cũng tăng, hay lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng tăng cao.

Cùng với diễn biến mới từ thị trường quan trọng là Mỹ, tình thế của Hoa Sen có thể nói là “khó chồng khó”.

Vạ lây từ Trung Quốc

Thực tế, đích ngắm của Mỹ khi đánh thuế lên thép và nhôm Việt Nam là Trung Quốc, vì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại tận dụng Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu. Từ nhiều năm nay, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, đã nêu lên vấn đề thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, từ vài năm trước đây phía Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo với thép Việt. Gần nhất là cuối năm 2017, sản lượng xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm do phía Mỹ liên tục cảnh báo và đưa ra những biện pháp điều tra chống trốn thuế. Lúc đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam với lý do sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc được đưa qua Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Thâm hụt thương mại Mỹ chỉ tính riêng trong tháng 1.2018 lên đến 56,6 tỉ USD, nước Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại cao nhất từ cuối năm 2008 đến nay. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2017 đạt 276 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử 2 nước.

Vì vậy, Mỹ đưa ra mức thuế mới với ngành thép như là một lý do hạn chế, với hàng nhập khẩu được Bộ Thương mại Mỹ viện dẫn theo quy định tại mục 232 Luật Thương mại mở rộng năm 1962. Theo điều luật này, Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu gấp 4 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng nhôm nhập khẩu gấp 5 lần nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016. Nhiều nước cho rằng Mỹ đang quay lại bảo hộ ngành thép trong nước, mục tiêu nhắm đến là Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những nước sản xuất thép hàng đầu, chiếm đến hơn 50% sản lượng toàn thế giới và mỗi năm ước tính xuất khoảng 3 triệu tấn sản phẩm thép sang Mỹ.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, thép từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Mỹ đánh 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ lên sản phẩm Trung Quốc từ 2 năm nay. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sắt thép sang Mỹ là 124.600 tấn và trị giá 104,24 triệu USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Còn các sản phẩm làm từ sắt thép đạt 73,67 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2017. Vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế bằng cách cho hàng đi vòng qua Việt Nam.

Cuối năm ngoái, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng phát hiện thép Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” và được xuất từ Việt Nam vào châu Âu để tránh bị đánh thuế theo quy định của EU. Doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống phá giá khoảng 9,6 triệu USD từ EU.

Sắc lệnh được ký với thép và nhôm sẽ có hiệu lực trong 15 ngày và các nước có thể điều đình lại với Mỹ nếu có thắc mắc. Đây là một lối mở của ông Donald Trump trong sắc lệnh lần này.

Do thép, nhôm Việt chiếm tỉ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch các mặt hàng nhập vào Mỹ, Bộ Công Thương Việt Nam cũng lên tiếng đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế.

Liệu Việt Nam có thể thay đổi được cục diện khi Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi lên Bộ Thương mại Mỹ những bằng chứng về xuất xứ nguồn nguyên liệu thép “Made in 100% Việt Nam”?

Nguyên liệu sản xuất Việt Nam có nhập từ Trung Quốc, nhưng không phải cái gì cũng nhập”, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư lớn, sản xuất được nguyên liệu thép thay vì nhập khẩu như trước đây.

Trong quá trình chờ đợi “phán quyết” từ phía Mỹ, doanh nghiệp Việt cũng không phải hết cơ hội. Các thị trường khác đang dần mở ra khi các hiệp định thương mại như ASEAN, AFTA và mới đây là CPTPP được ký kết. Vấn đề là doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào?

Nguồn tin: NCĐT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán