Ngành thép trước áp lực cạnh tranh

 Để đảm bảo cho các doanh nghiệp thép trong nước không gặp khó khi chịu áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ Công thương sẽ đưa ra các giải pháp nhằm nhanh chóng ngăn chặn việc sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng đang bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế.

Năm 2018 giá sắt thép được dự báo tiếp tục tăng.

Theo Bộ Công thương, do nhu cầu xây dựng nhà xưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký trong thời gian qua nên khả năng trong năm tới nhập khẩu thép sẽ gia tăng. Tuy vậy, Bộ này khẳng định, sẽ luôn đồng hành và đưa ra các giải pháp hợp lý để bảo vệ ngành thép trước áp lực cạnh tranh của thép nhập khẩu.

Dự báo gia tăng nhập khẩu thép

Theo Bộ Công thương, kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, do đó mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các dự án lớn trong các các ngành điện tử – viễn thông, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, chế tạo được đầu tư trong thời gian qua sẽ bước vào khâu sản xuất, xuất khẩu hứa hẹn tạo ra nhiều nguồn hàng. Cùng với việc gia tăng xuất khẩu, Bộ này cũng cho hay, khả năng nhập khẩu máy móc thiết bị, sắt thép được dự báo tiếp tục tăng do nhu cầu xây dựng nhà xưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký trong thời gian qua.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép các thành viên hiệp hội năm 2017 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, đạt 21,062 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2016. Bán hàng thép các loại đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm trước. Mặc dù sản xuất thép tăng nhưng nhu cầu thép phục vụ cho các ngành công nghiệp vẫn cao, do đó, chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng không nhỏ và chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc. Trong năm 2017, chúng ta đã nhập hơn 6,5 triệu tấn thép từ thị trường này, dù đã giảm tới 33% về lượng nhưng chỉ giảm 5% về trị giá. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chiếm tới gần 47% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 đạt hơn 4,3 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 33% về lượng và tăng 56% về giá trị. Hiện ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 2,4 triệu tấn, chiếm tới 58,6% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Đáng chú ý, năm 2017, xuất khẩu thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ. Từ nước nhập khẩu phôi thép gần 2 triệu tấn vào năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 300.000 tấn phôi trong năm 2017.

Áp lực cạnh tranh lớn

Để đảm bảo cho các doanh nghiệp (DN) thép trong nước không gặp khó khi chịu áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ Công thương sẽ đưa ra các giải pháp nhằm nhanh chóng ngăn chặn việc sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng đang bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế.

Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các DN chủ động hơn nữa theo dõi sát thông tin thị trường trong và ngoài nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tăng cường công tác tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động; cân đối đủ nguyên liệu, vật tư cho sản xuất; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu.

Thời gian qua, không chỉ gặp khó trước áp lực thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước, các DN ngành thép còn gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Bởi vậy, để tiếp tục hỗ trợ quyền lợi chính đáng của DN và giúp DN thép trong nước phát triển, phù hợp với các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định có liên quan của WTO. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) và các DN để theo dõi diễn biến các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép. Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các DN sản xuất thép Việt Nam giữ vững đạo đức kinh doanh và văn hóa DN, tích cực phối hợp khi được thẩm tra.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đã ký hợp đồng mua bán