Hưởng lợi từ thị trường chung, cổ phiếu hầu hết doanh nghiệp thép từ đầu năm đến nay tăng điểm đáng kể, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận khả quan. Song trước thông tin Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, liệu đà tăng trên có còn tiếp diễn?
Cứ ngỡ năm 2017 sẽ là năm thuận buồm với thị trường thép nói chung cũng như doanh nghiệp trong ngành nói riêng. Nhưng đời đâu đoán được chữ ngờ, ngày 05/12 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra cáo buộc “thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt” khiến cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư một phen hoang mang.
Trước sự việc này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng lên tiếng phản bác và cho rằng “Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình”, đồng thời trấn an doanh nghiệp trong nước: “Quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó”. Tuy nhiên, ngay lập tức cú sốc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực khiến hàng loạt cổ phiếu thép đỏ sàn, va đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Cổ phiếu “ông lớn” ngành thép đồng loạt giảm
Phiên giao dịch ngày 05/12/2017, hầu hết các cổ phiếu doanh nghiệp thép lớn đều quay đầu đỏ điểm, đặc biệt là những đơn vị có xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, riêng giá cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm mạnh gần 2 điểm, chốt phiên 05/12 tại mức 25.200 đồng/cp. Đến nay, cổ phiếu đơn vị với hơn 40% doanh thu đến từ xuất khẩu này vẫn tiếp tục giảm, trung bình mỗi phiên giao dịch giảm đến 2% thị giá.
Biến động cổ phiếu HSG một tuần giao dịch qua
Được biết, theo số liệu hải quan, từ năm 2012 tới nửa đầu 2016, HSG là một trong hai doanh nghiệp xuất khẩu thép carbon chống ăn mòn sang Mỹ nhiều nhất, cùng với Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam.
Về HSG, doanh thu xuất khẩu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu doanh thu Công ty. Trong đó, niên độ tài chính 2014-2015 doanh thu xuất khẩu chiếm 40% tổng doanh thu, tương đương 7,000 tỷ đồng. Con số này tại niên độ 2015-2016 đạt 35%, tức doanh thu xuất khẩu Công ty năm này xấp xỉ 6,300 tỷ đồng.
Như vậy, nếu Mỹ thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam (nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc) tương đương mức thuế AD và CVD đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc, thì HSG sẽ chịu thiệt hại không hề nhỏ trong thời gian đến.
Năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với hai sản phẩm trên của Trung Quốc. Đến năm 2016 thì chính thức áp thuế AD là 199.43% và CVD là 39.05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265.79% và CVD là 256.44%.
Kết thúc niên độ tài chính 2016-2017 (01/10/2016-30/09/2017), HSG đạt 26,148 tỷ đồng doanh thu, tăng 46% đồng thời vượt 14% con số kế hoạch là 23,000 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng tăng đã kéo lợi nhuận sau thuế Công ty giảm hơn 11%, về mức 1,331 tỷ đồng. So với kế hoạch là 1,650 tỷ đồng, trong niên độ tài chính 2016-2017, HSG theo đó chỉ mới thực hiện được 81% chỉ tiêu.
Một đơn vị khác cũng chịu tác động tương đối mạnh, Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận mức giảm hơn 2% thị giá cổ phiếu ngay trong phiên 05/12. Đến nay đà giảm tại đơn vị này đã dừng lại, hiện NKG đang giao dịch tại mốc 37,550 đồng/cp.
Được biết, NKG cũng là một trong nhưng đơn vị xuất khẩu thép mạnh, giai đoạn 2015-2016 doanh thu từ xuất khẩu chiếm 43-47% tổng doanh thu. Chưa kể, định hướng phát triển thời gian đến NKG cho biết sẽ đẩy mạnh công tác xuất khẩu hơn nữa.
Biến động cổ phiếu NKG một tuần giao dịch qua
Mặc dù có bị ảnh hưởng, song nguyên liệu đầu vào của Công ty hiện đã chuyển sang nguồn cán nóng (HRC) của Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản – là các nước không nằm trong phạm vi của quyết định, cho nên cổ phiếu đơn vị này đã nhanh chóng hồi phục những phiên sau đó.
Một số cổ phiếu của đơn vị khác cũng quay đầu giảm điểm như Thép Dana – Ý (DNY) – đỏ liền 3 phiên 06-08/12, hiện đã hồi phục về mức 7,700 đồng/cp. Đáng chú ý, “ông lớn” đầu ngành Tập đoàn Hòa Phát (HPG), mặc dù vừa tổng kết sản lượng tiêu thụ 11 tháng với con số khả quan (đạt 1.95 triệu tấn, gần hoàn thành kế hoạch năm), song cổ phiếu cũng quay đầu giảm gần 1% ngay phiên 05/12, và duy trì sắc đỏ một tuần giao dịch gần đây, hiện đang giao dịch tại mức 40,100 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu HPG và DNY một tuần giao dịch qua
Kịch bản nào cho cổ phiếu thép thời điểm cuối năm?
11 tháng đầu năm, giá thép đã và đang được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng vào mùa xây dựng cùng động thái cắt giảm sản lượng sản xuất thép của Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính sách phòng vệ thương mại chính thức của Bộ công thương cho các sản phẩm thép dài, phôi thép, tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh và mạ màu, tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp nội địa phát triển.
Mới đây, theo công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong tháng 10/2017 tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Với sản phẩm ống thép, sản xuất trong tháng 10 đạt 172,875 tấn, tăng 1.04% so với tháng trước, tăng 3.9% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong 10 tháng đầu năm 2017 đều tăng trưởng tương đối, lần lượt ghi nhận mức tăng 22.8% và 18.4% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng rục rịch đồng loạt tăng giá thép khi mà giá nguyên liệu thế giới tăng từ cuối tháng 11 đến nay.
Dự báo giá thép từ TradingEconomics.com
Do đó, hưởng lợi từ thị trường chung, cổ phiếu hầu hết doanh nghiệp thép từ đầu năm đến nay tăng điểm đáng kể, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận khả quan. Song trước thông tin Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, liệu đà tăng trên có còn tiếp diễn?
Một chuyên gia đầu tư cổ phiếu cho biết: “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng được nhập từ Trung Quốc. Thêm vào đó, việc thép Trung Quốc “mượn đường” vào thị trường Việt Nam để tái xuất sang Mỹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là các nhà xuất khẩu Việt Nam phải chứng minh nguyên liệu sản xuất không phải nguồn gốc Trung Quốc nhằm tránh thuế AD và CVD.
Tuy nhiên, thực tế, thị trường thép của Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt với lực cầu mạnh mẽ từ trong nước nhờ hưởng lợi từ thị trường xây dựng dân dụng và công nghiệp. Trong đó, hoạt động xuất khẩu chỉ đóng góp 20% tổng sản lượng bán hàng và đi kèm là giữ được tốc độ tăng trưởng tích cực ở các thị trường khác, ngoài Mỹ; nên việc đánh thuế sẽ không làm thay đổi xu thế tăng của ngành thép nói chung”.
(Theo CafeF)