Với quyết định áp thuế cao đánh vào mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, câu hỏi mà dư luận đặt ra là doanh nghiệp nào của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất?
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo quyết định sơ bộ khẳng định sản phẩm thép các bon chống ăn mòn (tôn mạ – CORE) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đang lẩn tránh pháp lệnh chống bán phá giá AD và chống trợ cấp CVA, Bộ Công Thương đã gấp rút chuẩn bị các hoạt động đối phó.
Một câu hỏi được đặt ra: Với quyết định áp thuế cao đánh vào mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, doanh nghiệp nào của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất?
Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, từ năm 2012 tới nửa đầu năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam là hai doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm CORE sang Hoa Mỹ nhiều nhất, với trị giá đạt lần lượt khoảng 73 triệu và 55 triệu USD. Còn doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng CR sang Mỹ nhiều nhất, trị giá khoảng 166 triệu USD là Công ty TNHH Posco Việt Nam.
Như vậy, với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, những doanh nghiệp kể trên có thể nói là chịu thiệt hại nhiều nhất.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu CORE và CR từ Viẹt Nam sang Hoa Kỳ thời gian quan đạt lần lượt là hơn 40 triệu USD và hơn 57 triệu USD trong năm 2015 và đã tăng lên hơn 183 triệu USD đối với mỗi mặt hàng trong nửa đầu năm 2016.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.
Trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO, một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó. Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự “chuyển đổi đáng kể” và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).
Trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, hôm qua, Bộ Công Thương Việt Nam cũng ra thông cáo bày tỏ quan điểm rõ ràng về sự vụ này. Bộ Công Thương khẳng định: Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình “chuyển đổi đáng kể” nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao như đã trình bày trên.
Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự “chuyển đổi đáng kể” như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16 tháng 2 năm 2018. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.