Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, tổng doanh thu quý III/2017 của 14 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết trên HOSE, HNX, và UPCoM đạt hơn 33.050 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 2.882 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ 2016.
3 doanh nghiệp không được khảo sát do chưa công bố số liệu là Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty CP Đại Thiên Lộc và Tập đoàn Hoa Sen.
Kinh doanh khởi sắc
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trải qua 9 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN thép trong nước tăng trưởng khá tốt. Tổng sản lượng thép sản xuất 9 tháng 2017 đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 13 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu quý III/2017 của 14 doanh nghiệp trong ngành thép được khảo sát đều tăng trưởng trên 2 con số. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này cũng đều ghi nhận tăng trưởng, ngoại trừ Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên suy giảm lợi nhuận, Công ty CP Thép Nhà Bè chuyển từ lỗ sang lãi.
Dẫn đầu ngành thép vẫn là ông lớn Hòa Phát với doanh thu hợp nhất quý III đạt 12.700 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 38% tổng doanh thu của 14 doanh nghiệp khảo sát), lợi nhuận sau thuế đạt 2.140 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2016 và chiếm 74% tổng lợi nhuận của 14 doanh nghiệp được khảo sát).
Thép Pomina là doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất với 249 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này của Pomina đến từ doanh thu tăng mạnh tới 47%, đạt 3.227 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng có 36,4%, chi phí bán hàng gần như không đổi và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 37,7%.
Khó khăn vẫn còn
Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 sáng sủa, giá cổ phiếu của doanh nghiệp ngành thép từ đầu năm cũng tăng trưởng rất tích cực, có những cổ phiếu tăng tới vài chục, thậm chí vài trăm phần trăm. Điển hình như cổ phiếu POM tăng tới 102% (từ 8.480 đồng lên 17.200 đồng), cổ phiếu TIS tăng 54% (từ 1.470 đồng lên 11.500 đồng), cổ phiếu VIS tăng tới 53% (từ 17.400 đồng lên 26.600 đồng) hay giá cổ phiếu HPG liên tục vượt đỉnh, tăng 34,7% (từ 27.460 đồng lên 37.000 đồng).
Mặc dù kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khá tốt, nhưng ngành thép vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, để đáp ứng được hết công suất thiết kế của doanh nghiệp thép trong nước là điều còn rất xa vời. Tính trung bình sản xuất của cả ngành thép hiện nay chỉ chạy được khoảng trên 70% công suất thiết kế nhằm tránh tình trạng tồn kho nhiều.
Một nguyên nhân nữa khiến các doanh nghiệp trong nước chưa chạy hết 100% công suất thiết kế là do sức ép từ hàng nhập khẩu. Tính từ 1/1/2017 đến 31/8/2017, nhập khẩu thép các loại đạt hơn 13,5 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 7 tỷ USD, giảm 22% về lượng, nhưng tăng 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nói là nhập khẩu giảm, nhưng thực tế chủ yếu giảm ở phần thép cuộn cán nguội, thép tấm cán nguội do Nhà máy Gang thép Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được, thay cho việc nhập khẩu trước đây. Cùng với đó, tác động tích cực của việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng thép như thép tôn mạ, thép thanh và cuộn, thép hợp kim… đã khiến sản lượng thép nhập khẩu một số mặt hàng giảm chút ít.